Nhà nước và lãnh thổ Thế_giới_Ả_Rập

Hình thức chính phủ

Các hình thức nhà nước khác biệt đều có đại diện trong thế giới Ả Rập: Một số quốc gia theo chế độ quân chủ: Ả Rập Xê Út, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Jordan, Kuwait, Morocco, Oman và Qatar. Các quốc gia khác theo chế độ cộng hoà, song các cuộc bầu cử dân chủ thường bị nhìn nhận là dàn xếp, do gian lận hay đe doạ các đảng đối lập, hạn chế nghiêm trọng tự do dân sự và bất đồng chính trị, ngoại lệ là Liban, Tunisia, Palestine và gần đây là Mauritania.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa liên Ả Rập tìm cách thống nhất toàn bộ các quốc gia nói tiếng Ả Rập thành một thực thể chính trị. Chỉ có Syria, Iraq, Ai Cập, Sudan, Tunisia, Libya và Bắc Yemen từng cân nhắc tham gia Cộng hoà Ả Rập Thống nhất. Phân chia trong lịch sử, ganh đua trong chủ nghĩa dân tộc địa phương, và khoảng cách địa lý là những nguyên nhân chính khiến chủ nghĩa liên Ả Rập thất bại. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập là một thế lực mạnh mẽ khác trong khu vực, đạt đỉnh cao vào giữa thế kỷ 20 và được nhiều nhà lãnh đạo tuyên bố, gồm tại Ai Cập, Algeria, Libya, Syria và Iraq. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập trong giai đoạn này gồm Gamal Abdel Nasser của Ai Cập, Ahmed Ben Bella của Algeria, Michel Aflaq, Salah al-Din al-Bitar, Zaki al-Arsuzi, Constantin ZureiqShukri al-Kuwatli của Syria, Ahmed Hassan al-Bakr của Iraq, Habib Bourguiba của Tunisia, Mehdi Ben Barka của Maroc và Shakib Arslan của Liban. Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Ả Rập gần đây hơn là Muammar al-Gaddafi của Libya, Hafez al-AssadBashar al-Assad của Syria.

Các quốc gia Ả Rập thường duy trì quan hệ mật thiết song phát triển và củng cố các bản sắc dân tộc riêng biệt, với các thực tế xã hội, lịch sử và chính trị trong 60 năm qua. Điều này biến ý tưởng về một quốc gia-dân tộc liên Ả Rập ngày càng ít khả thi. Ngoài ra, việc bùng phát Hồi giáo chính trị dẫn đến nhấn mạnh hơn vào chủ nghĩa liên Hồi giáo thay vì bản sắc liên Ả Rập trong một số nhóm Hồi giáo Ả Rập. Chủ nghĩa dân tộc Ả Rập từng phản đối các phong trào Hồi giáo vì chúng là mối đe doạ đối với thế lực của họ, và nay đối phó với chúng khác nhau vì lý do hiện thực chính trị.[42]

Biên giới hiện tại

Nhiều đường biên giới hiện nay trong thế giới Ả Rập được các thế lực đế quốc châu Âu vạch ra vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, một số nước như Ai Cập và Syria có lịch sử duy trì biên giới địa lý được xác định, và biên giới nhà nước hiện nay gần tương đương. Sử gia Ai Cập thế kỷ 14 là Al-Maqrizi từng định nghĩa biên giới Ai Cập trải dài từ Địa Trung Hải tại phía bắc đến hạ Nubia tại phía nam; và giữa biển Đỏ tại phía đông đến các ốc đảo tại của sa mạc Tây/Libya.

Trong các thời điểm khác nhau, các quốc vương, emir hay sheikh trở thành những người cai trị bán tự trị của các quốc gia dân tộc mới thành lập, thường được chọn từ thế lực đế quốc vạch biên giới mới. Nhiều quốc gia châu Phi không giành được độc lập cho đến thập niên 1960 từ Pháp sau các cuộc nổi dậy đổ máu vì quyền tự do. Những cuộc đấu tranh này được giải quyết khi thế lực đế quốc chấp thuận hình thức độc lập, do đó hầu như toàn bộ biên giới của họ được duy trì. Một số đường biên giới được thoả thuận mà không có tư vấn của các cá nhân phục vụ cho lợi ích thực dân của Anh hay Pháp.

Kinh tế

Các quốc gia Ả Rập hầu hết đều là các quốc gia đang phát triển, và có nguồn thu xuất khẩu từ dầu khí, hoặc bán các nguyên liệu thô khác. Trong những năm gần đây, thế giới Ả Rập có tăng trưởng kinh tế đáng kể, phần lớn là nhờ giá dầu khí tăng cao, như tăng gấp ba lần từ năm 2001 đến năm 2006, song cũng nhờ các nỗ lực của một số quốc gia nhằm đa dạng hoá nền tảng kinh tế của họ. Sản xuất công nghiệp đã tăng lên, như lượng thép sản xuất từ năm 2004 đến năm 2005 tăng từ 8,4 lên 19 triệu tấn. Tuy nhiên, con số 19 triệu tấn vẫn chỉ chiếm 1,7% sản lượng thép toàn cầu, và vẫn kém sản lượng của các quốc gia như Brasil.[43]

Các tổ chức kinh tế chính trong thế giới Ả Rập là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm các quốc gia Ả Rập ven vịnh Ba Tư, và Liên minh Ả Rập Maghreb (UMA) gồm các quốc gia Bắc Phi. GCC đạt được một số thành công trong lĩnh vực tài chính và tiền tệ, bao gồm các dự án nhằm hình thành một tiền tệ chung trong vùng vịnh Ba Tư. Từ khi thành lập vào năm 1989, thành tựu quan trọng nhất của UMA là xây dựng một tuyến xa lộ dài 7.000 km băng qua Bắc Phi từ Mauritania đến biên giới Libya-Ai Cập. Trong những năm gần đây, có các thuật ngữ mới được tạo ra để xác định một khu vực kinh tế lớn hơn: MENA (Trung Đông và Bắc Phi) ngày càng trở nên thông dụng, đặc biệt là nhờ ủng hộ của chính quyền Hoa Kỳ.

Tính đến tháng 8 năm 2009, theo như tường thuật thì Ả Rập Xê Út là nền kinh tế Ả Rập mạnh nhất theo Ngân hàng Thế giới.[44] Ả Rập Xê Út đứng đầu về tổng GDP, đây là nền kinh tế lớn thứ 11 châu Á. Các quốc gia Ả Rập tiếp theo là Ai Cập và Algeria, họ cũng là các nền kinh tế lớn thứ nhì và ba tại châu Phi (sau Nam Phi) vào năm 2006, Xét theo GDP bình quân thì Qatar là quốc gia giàu có nhất thế giới.

Tổng GDP của các quốc gia Ả Rập vào năm 1999 là 531,2 tỉ USD.[45] Tính tổng cộng các số liệu thì tổng GDP của thế giới Ả Rập ước tính ít nhất là 2,8 nghìn tỉ USD vào năm 2011.[46] Chỉ thấp hơn Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.